Đồng hồ lặn từ lâu đã trở thành niềm khao khát của rất nhiều quý ông trên toàn thế giới. Không chỉ sở hữu vẻ đẹp nam tính cùng các chức năng thời gian hữu ích, phức tạp, những thiết kế đồng hồ lặn còn thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà sưu tầm, các fashionista cùng các vận động viên bơi lội, thợ lặn chuyên nghiệp. Đứng đằng sau những chiếc đồng hồ lặn nổi tiếng của Thụy Sĩ là top 5 biểu tượng đồng hồ lặn đã trở thành huyền thoại vang danh.
Panerai Radiomir
Ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1936, dòng đồng hồ Radiomir được sản xuất theo đơn đặt hàng của Hải quân Ý. Sự phát triển của biểu tượng đồng hồ lặn này gắn liền với sự phát triển của động cơ tàu và chiến tranh Thế giới thứ II.

Cái tên “Radiomir” được lấy cảm hứng từ chất phóng xạ được sử dụng làm chất phát quang cho mẫu đồng hồ này là Radium. Tuy nhiên, loại phóng xạ này hiện nay đã bị cấm do lý do độc hại với sức con người và được thay thế bằng chất phát quang ChromaLight trong các thiết kế đồng hồ kế nhiệm sau này.

Đặc trưng của dòng Panerai Radiomir là thiết kế vỏ khung dáng Cushion thường làm từ thép không gỉ với vành bezel tròn bao quanh là bốn góc vuông được bo tròn cẩn thận. Đường kính của dòng sản phẩm này khá lớn, chủ yếu làm từ thép không gỉ đáp ứng được yêu cầu chịu được áp suất cao, giữ thời gian chính xác và cung cấp được khả năng theo dõi thời gian tuyệt vời ngay cả dưới nước, trong môi trường thiếu ánh sáng.
Blancpain Fifty Fathoms
Được sản xuất với mục đích phục vụ người nhái của quân đội Pháp, mẫu đồng hồ Blancpain Fifty Fathoms do Jean-Jacques Fiechter sáng chế đã ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1953.
Mang ý nghĩa thể hiện khả năng chịu nước của sản phẩm, cái tên Fifty Fathoms (50 sải) đã phần nào phản ánh đúng đặc trưng của mẫu đồng hồ này là hoạt động bền bỉ ở độ sâu 300m – độ sâu tối đa mà người thợ lặn có thể đạt được và trở về an toàn.

Thiết kế đồng hồ bên cạnh bộ vỏ khung kháng nước vượt trội còn có trang bị van thoát khí heli giúp giảm bớt áp lực bên trong vỏ đồng hồ khi thợ lặn đeo đồng hồ lặn xuống nơi có áp suất lớn như ở độ sâu 300m. Ngoài ra phần mặt số còn được trang bị bộ hiển thị thời gian được phủ chất phát quang, vành bezel màu đen chỉ xoay một chiều nhằm đảm bảo an toàn cho việc đếm thời gian và tính số phút lặn dưới môi trường nước sâu.

Chiếc đồng hồ đầu tiên có đường kính vỏ là 42mm, khá lớn so với tiêu chuẩn đồng hồ thời điểm được ra mắt nhưng lại có thể đáp ứng các yêu cầu khó khăn của quân đội Pháp và chứa đựng được bộ máy tự động cũng như bảo vệ bộ máy trước áp suất, từ trường, đảm bảo tuổi thọ của chiếc đồng hồ.
Sau một thời gian kiểm nghiệm, dòng Fifty Fathoms đã chứng minh được độ ổn định và hiệu năng cao. Chẳng thế mà chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, đã có rất nhiều đơn vị hải quân khác như Israel, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ đã lên đơn đặt hàng cho dòng sản phẩm ưu việt này.

Trải qua thời gian dài phát triển, những chiếc Blancpain Fifty Fathoms ngày nay đã có những thay đổi nhất định trong thiết kế. Đầu tiên là sự xuất hiện của vành bezel kim loại thay thế cho vành đen ở các phiên bản đời đầu.
Tiếp đó là phần mặt kính mica đã được thay bằng kính sapphire chống trầy xước và phản quang hiệu quả. Đi kèm với thay đổi diện mạo là bộ máy tự động mới, được sản xuất độc quyền mang tên Caliber 1315 hoạt động cực kỳ ổn định và mạnh mẽ. Ngoài ra, tính năng đồng hồ cũng đa dạng hơn, điển hình là những thiết kế sở hữu tính năng Flyback Chronograph hay Tourbillon.
Rolex Submariner
Khác hoàn toàn với hai bộ sưu tập đồng hồ kể trên ở mục đích sản xuất, Rolex Submariner sinh ra là để phục vụ cho dân sự, thợ lặn chuyên nghiệp – đây là ý tưởng của René-Paul Jeanneret, một thành viên của ban giám đốc Rolex vô cùng đam mê môn thể thao lặn.
Hướng tới một mẫu đồng hồ lặn chuyên dụng không chỉ dùng trong quá trình lặn dưới nước mà còn có thể sử dụng hàng ngày, cha đẻ của sáng chế này đã mất rất nhiều thời gian để tạo ra thiết kế đồng hồ lặn có thể kháng nước nhưng ngoại hình thanh lịch, nam tính.

Và sự nghiên cứu kỳ công đó đã đưa ra kết quả mỹ mãn vào tháng 9 năm 1953, Rolex đã cho thế giới biết họ có thể sản xuất đồng hồ cho thợ lặn bằng việc gắn chiếc đồng hồ maaux của mình vào tàu ngầm Bathyscaphe của Auguste Piccard và con trai của René-Paul Jeanneret lặn sâu 3131.8 mét trong đại dương.

Tiếp nối cho thành tựu đó là sự ra đời của Rolex Submariner đầu tiên mang mã hiệu 6204 tại triển lãm Baselworld vào năm 1954 với nguyên mẫu là chiếc đồng hồ có trang bị bộ máy tự động, kháng nước ở độ sâu 100m, bộ kim đồng hồ được định hình theo kiểu Mercedes đặc trưng. Vành bezel xoay hai chiều, thiết kế núm điều chỉnh dạng Twinlock và các cọc số kiểu Ả Rập tại các vị trí 3, 6 và 9 giờ.

Tính đến thời điểm hiện tại, dòng sản phẩm này đã trải qua nhiều sự thay đổi về kích thước và chức năng. Cụ thể là kích thước đồng hồ tăng lên từ 38mm (năm 1953) lên 41mm trong hiện tại. Đi cùng với đó là khả năng kháng nước của sản phẩm cũng tăng lên gấp 3 lần là kháng nước ở độ sâu 300m cũng như vành bezel xoay hai chiều đã được thay đổi bằng vành bezel xoay một chiều kể từ năm 1979 đến nay.

Bên cạnh thay đổi bộ máy, chức năng, chất liệu sản xuất cũng đa dạng hơn. Ví dụ tấm đệm vành bezel ngày nay là bằng gốm Cerachrom thay thế cho chất liệu nhôm của thiết kế nguyên bản và mặt kính sapphire chống xước thay thế cho mặt kính acrylic xuất hiện trong những mẫu Rolex Submariner từ năm 1980 trở về trước. Và chất phát quang hiện tại được dùng trên các cọc số là Chromalight phát ra ánh sáng màu xanh lam.